Ngay sau khi phát hiện số ca bệnh thủy đậu trên địa bàn gia tăng bất thường, Trạm y tế xã Tâm Thắng đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu,   nhằm kiểm soát, không để bệnh lây lan rộng.

Hai ca mắc thủy đậu đầu tiên ở xã Tâm Thắng được ghi nhận tại trường TH Nguyễn Đình Chiểu. Các  bệnh nhi phát bệnh với triệu chứng sốt nhẹ, xuất hiện các mụn nước trên mặt và ngực, sau đó lan sang vùng bụng và tay chân. Bệnh nhi được người nhà đưa đi khám ở phòng khám tư và được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. 

Ngay sau khi liên tiếp ghi nhận các ca bệnh thủy đậu tại trường TH Nguyễn Đình Chiểu, Trạm y tế xã Tâm Thắng đã chủ động khoanh vùng xử lý. Đồng thời, đến trường và gia đình bệnh nhân hướng dẫn nhà trường, người thân cho trẻ nghỉ học, cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ khỏe mạnh để ngăn chặn bệnh lây lan; đẩy mạnh tuyên truyền trên các địa bàn dân cư về bệnh thủy đậu và cách phòng chống để người dân cùng tham gia dập dịch. 

Số liệu thống kê của Trạm y tế xã Tâm Thắng, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn xã Tâm Thắng đã xuất hiện 16 trường hợp mắc bệnh thủy đậu với 1 ổ dịch tại trường TH Hà Huy Tập, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bác sĩ Quản Xuân Huân, Quyền Trạm trưởng, bệnh thủy đậu là bệnh lưu hành hằng năm và nhiều năm qua chưa có ca bệnh nào bị biến chứng nặng nề dẫn đến người dân có tâm lý chủ quan đối với bệnh này, ý thức phòng bệnh còn hạn chế. Không những thế, khi trẻ mắc bệnh, gia đình không thực hiện cách ly mà vẫn đưa trẻ đi học, đi chơi ở chỗ đông người dẫn đến bệnh nhanh chóng lây lan. Để ứng phó với tình hình và xử lý ổ dịch kịp thời, Trạm y tế xã Tâm Thắng đã báo cáo chính quyền địa phương và Trung tâm y tế huyện, đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện giám sát chủ động, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc bệnh thủy đậu. Bên cạnh đó, Trạm cũng đã tiến hành phun hóa chất Cloramin B xử lý bề mặt ở 3 trường TH Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Chiểu và trường Mầm non Hoa mai nơi đã ghi nhận những ca bệnh và khu vực nhà bệnh nhân; bên cạnh đó, Trạm cũng chỉ đạo đội ngũ y tế thôn, buôn tăng cường giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông cả trực tiếp và gián tiếp để hướng dẫn người dân cách nhận biết dấu hiệu của bệnh, cách chăm sóc và điều trị bệnh, cách phòng bệnh; hướng dẫn các trường học tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu như: thường xuyên vệ sinh phòng học, khử khuẩn đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B, cho trẻ rửa tay với xà phòng; cho trẻ bị bệnh nghỉ học để cách ly nguồn lây… 

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân. Khi trẻ mắc thủy đậu, nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. 

Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành Y tế, đến thời điểm này, toàn bộ các ổ dịch thủy đậu trên địa bàn xã Tâm Thắng đã được khống chế, xử lý và không ghi nhận thêm ca bệnh mới./.

Cao Thị Thảo – Cư Jut

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *