Như chúng ta đã biết, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.
Nếu không có sự kiểm soát của con người bằng các biện pháp và công cụ hữu hiệu, bệnh lao có thể bùng phát như một bệnh dịch nguy hiểm làm chết nhiều người và tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Bệnh lao – vấn đề sức khỏe toàn cầu
Bệnh lao đang quay trở lại và ngày càng trở thành một trong những căn nguyên gây mắc bệnh và gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức y tế thế giới ước tính năm 2018 trên toàn cầu có khoảng 10 triệu người hiện mắc lao; với nhóm >15 tuổi chiếm xấp xỉ 90%; 9% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Bệnh lao là 1 trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất; là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh truyền nhiễm với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao; trong đó khoảng 300.000 ca tử vong do đồng nhiễm lao/HIV.
Hình ảnh minh họa
Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 trong số các nước có số người mắc lao cao và đứng thứ 15 các nước có gánh nặng lao kháng đa thuốc cao. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 mọi người cùng chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”
Trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, với chủ đề của Ngày Thế giới chống lao năm 2020. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định cần tăng cường các hoạt động đi đến kết thúc bệnh lao đó là nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng chống lao, giảm mặc cảm kỳ thị đối với bệnh lao và kêu gọi các cấp chính quyền, ngành y tế cũng như các ban ngành đoàn thể tích cực tham gia và ủng hộ hoạt động phòng chống bệnh lao; tăng cường khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông của người bệnh lao (đặc biệt người bệnh lao nghèo); giảm mặc cảm kỳ thị với bệnh lao;giúp cho việc tiếp cận sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp, tăng cường công tác phát hiện bệnh lao đặc biệt là Lao trẻ em, Lao kháng thuốc, Lao/HIV; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong phát hiện, xây dựng và triển khai các công cụ can thiệp và chiến lược mới, cũng như trong nghiên cứu về Lao và bệnh phổi.
Bệnh lao có thể phòng và chữa được
Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến khám và xét nghiệm tại Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã/ thị trấn để được khám, tư vấn hoặc chuyển lên Bệnh viện Lao Phổi Đắk Lắk (số 136 Nguyễn Thị Định, TP Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk) với đầy đủ trang thiết bị chuyên ngành để chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao.
Nếu người bệnh bị mắc lao sẽ được điều trị theo chỉ dẫn và giám sát chặt chẽ của bác sỹ. Chiến lược DOT được coi là biện pháp điều trị bệnh lao hiệu quả nhất. Thuốc chữa lao hoàn toàn miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hoặc chữa trị tại phòng khám không chuyên khoa.
Bác Sỹ Điều trị Lao
Để phòng, chống bệnh lao có hiệu quả, trong tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa các bệnh lao cấp tính. Trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, trẻ nhiễm HIV cần được uống thuốc dự phòng bệnh. Những người bị bệnh Lao cần thực hiện những điều sau để bảo vệ người thân và cộng đồng: điều trị tích cực, tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong thời gian đang điều trị; che miệng, mũi bằng khăn, giấy mềm hoặc bằng cánh tay áo khi ho, khi hắt hơi; Khạc, nhổ đờm vào khăn giấy hoặc cốc giấy rồi bỏ vào thùng rác hoặc đốt đi; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để giữ bàn tay luôn sạch sẽ; phòng ở cần luôn luôn thông thoáng. Phát hiện sớm và điều trị khỏi bệnh lao cho người bệnh lao là cách phòng bệnh tốt nhất
“Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”, các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà hãy tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh lao
Hãy nghĩ đến bệnh lao khi có ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần
Cao Thảo