Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thời gian này, dịch SXH đang có nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương. Do đó, người dân cần theo dõi các dấu hiệu, diễn biến SXH để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Hiện nay tại TP.HCM ghi nhận 6 ổ bệnh sốt xuất huyết mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4/24 quận, huyện, tăng 2 ổ bệnh mới so với tuần trước đó( 5/5/2020). Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có 10 ổ bệnh sốt xuất huyết, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay là 6.478 trường hợp, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca), không có trường hợp tử vong.

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết  là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những týp vi rút khác nhau. 

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong  nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa …, không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

Sốt xuất huyết: cần hiểu đúng để phòng tránh bệnh

Theo các bác sĩ, trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Từ ngày thứ tư (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) mới là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bởi khi bệnh nhân không còn sốt cao như 3 ngày đầu, nhiều người chủ quan cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, mà không hiểu rằng đây mới chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng. 

Biến chứng thứ nhất của bệnh SXH là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này, nhưng cũng có thể có những dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn. Ở trẻ nhỏ có thể chỉ xuất hiện triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú. Những trường hợp này cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để bù dịch, tránh nguy hiểm tính mạng. Biến chứng thứ hai thường thấy là giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Những bệnh nhân này cần được đưa đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm đánh giá mức độ giảm tiểu cầu cũng như để thầy thuốc cân nhắc truyền tiểu cầu nếu cần.

Thêm một lưu ý nữa, bệnh nhân SXH hay nghi ngờ SXH không được tự ý sử dụng 2 loại thuốc giảm đau là: aspirin và ibuprofen. Đây là 2 loại thuốc phổ biến mà khi người có triệu chứng như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt (những triệu chứng của SXH)… thường tự ý mua về uống. Các loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Bởi thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, nôn ra máu.

Bài Tuyên truyền: Phòng chống do virus Zika và sốt xuất huyết

Bên cạnh đó, ngoài tâm lý chủ quan, SXH nguy hiểm hơn ở người lớn do bệnh nhân thường mắc thêm một số bệnh lý đi kèm như đau dạ dày, bệnh lý tim mạch, tiểu đường… Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc TTYT huyện cho hay, những bệnh nhân có các bệnh lý về gan, thận, xuất huyết dạ dày thì SXH rất nguy hiểm vì nó dễ gây suy gan, suy thận, suy đa chức năng. Do đó, người bệnh SXH có bệnh lý nền đi kèm cần phải theo dõi chặt chẽ, bệnh nhân cần phải tuân thủ tuyệt đối dặn dò, chỉ định của bác sĩ. 

Hiện nay Đắk Nông thuộc khu vực vùng Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi để bùng phát dịch sốt xuất huyết, do đó người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, không chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm.

Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, tay chân miệng… cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý phòng ngừa bệnh tay chân miệng khi học sinh đã trở lại trường học.

Cao Thị Thảo-TTYT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *