Từ lúc sinh ra đến khi trẻ dưới 1 tuổi là thời điểm bé phải tiêm rất nhiều loại vắc-xin do trong giai đoạn này sức đề kháng của trẻ còn kém nên trẻ rất dễ mắc hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và mắc di chứng cao.
1.Tiêm chủng là gì:
Tiêm chủng chính là ví dụ cụ thể và hoàn hảo nhất, minh họa cho câu nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Tiêm chủng hiểu một cách “dân dã” tức là đưa một loại vật lạ nào đó vào trong cơ thể để cơ thể nhận diện đó là vật có hại và sản sinh ra chất để phá hủy vật có hại đó nếu lần sau nó xâm nhập vào cơ thể, không cho nó tác động xấu đến con người. Hiểu khoa học hơn, tiêm vaccine tức đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích cơ thể sản sinh kháng thể tạo miễn dịch chủ động để phòng bệnh.
Đa phần các loại vắc xin được bào chế dưới dạng tiêm, song một vài loại vaccine được bào chế dưới dạng uống giọt, như là vaccine ngừa bại liệt, tiêu chảy, tả,…Đối với trẻ nhỏ, giai đoạn đầu khi mới sinh vì nhận được kháng thể của mẹ nên bé đã có miễn dịch với một số loại bệnh. Tuy nhiên, sự miễn dịch này có thể chỉ kéo dài được khoảng 6 tháng đầu sau sinh. Qua thời gian này, nếu không tiêm chủng trẻ có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm như: Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan siêu vi B, Viêm màng não mủ, Sởi, Quai bị, Rubella, Viêm não Nhật Bản,…Tiêm chủng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh của trẻ xuống mức thấp nhất. Tuy không phải 100% nhưng trong trường hợp nếu mắc bệnh, bệnh tình của trẻ cũng không quá nặng và vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát, chữa trị.
- Những loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh gì?
Những bệnh truyền nhiễm và vắc-xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho những trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan virus B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B, sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.
- Vắc-xin BCG: là vắc-xin phòng bệnh lao và cần được trẻ em dưới 1 tuổi tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 30 ngày sau khi trẻ được sinh ra.
- Vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh: Vắc-xin viêm gan B được sử dụng để phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24h sau sinh.
- Vắc-xin Quinvaxem/ Combefive (vắc-xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HiB Vắc-xin Quinvaxem/Combefive được tiêm 3 mũi bao gồm:
- Mũi tiêm 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
- Mũi tiêm 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi
- Mũi tiêm 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi
- Vắc-xin phòng bại liệt (OPV- uống và IPV- tiêm): giúp trẻ em dưới 1 tuổi phòng bệnh bại liệt với 3 liều uống:
- Uống liều thứ 1: khi trẻ tròn 2 tháng tuổi
- Uống liều thứ 2: khi trẻ tròn 3 tháng tuổi
- Uống liều thứ 3: khi trẻ tròn 4 tháng tuổi
- Từ đầu năm 2016, trẻ tròn 5 tháng tuổi được tiêm thêm một liều vắc-xin bại liệt bất hoạt để phòng bệnh.
- Vắc-xin phòng bệnh sởi: bao gồm có 2 mũi tiêm.
- Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ tròn 9 tháng tuổi
- Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
- Hiện nay đã có vắc-xin phối hợp sởi – rubella được tiêm thay thế cho vắc-xin sởi đơn khi trẻ tròn 18 tháng tuổi.
- Vắc-xin DPT: tiêm nhắc phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và được tiêm khi trẻ tròn 18 tháng.
- Vắc-xin viêm não Nhật Bản: trẻ em cần được tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
- Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ được 1 tuổi.
- Mũi tiêm thứ 2: cách mũi thứ nhất 1-2 tuần.
- Mũi tiêm thứ 3: cách mũi thứ hai 1 năm.
- Tác dụng của tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi
Vắc-xin và tiêm chủng là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại nói chung và cho trẻ dưới 1 tuổi nói riêng. Khoảng 85% – 95% số người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh, hạn chế bị tử vong hay bị di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc-xin, hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc-xin và tiêm chủng góp phần rất quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Nhờ vậy, vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng phát triển nguồn nhân lực. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ dưới 1 tuổi phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ dưới 1 tuổi nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.
Vắc-xin và tiêm chủng là đóng góp quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo bền vững. Vắc-xin và tiêm chủng làm cho trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh, không bị ốm đau dẫn đến giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật trong mỗi gia đình.
Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc-xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung… Bên cạnh đó vắc-xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Cao Thị Thảo – TTYT Cư Jut