Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến 27.2, trên cả nước đã ghi nhận có 34 ổ dịch cúm gia cầm, với 2 chủng vi rút A/H5N6 và A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố, hơn 100.000 con gia cầm đã chết, phải bị tiêu hủy.
Với dịch tả lợn châu Phi, thống kê đến 25.2, dịch đã phát sinh trở lại ở 24 xã, buộc phải tiêu hủy 17.133 con lợn. Cả nước cũng đã ghi nhận có 100 ổ dịch lở mồm, long móng trên các đàn trâu, bò, lợn tại 9 tỉnh, thành phố. Trong đó, vẫn còn 80 ổ dịch lở mồm, long móng chưa qua 28 ngày.
Ảnh minh họa
Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng vi rút cúm A/H5N6, dù trên thế giới đã có 24 trường hợp, trong đó có 7 người chết vì cúm A/H5N6, chủ yếu tại Trung Quốc.
Dự báo, thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể tiếp tục xảy ra, do mật độ chăn nuôi cao với trên 467 triệu con, thời tiết thay đổi bất lợi, tỷ lệ tiêm phòng vaccine tỷ lệ thấp…đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm từ sang người, đề nghị mọi người thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
– Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để không khí lưu thông dễ dàng.
– Lau sàn nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mặt, ngoáy mũi.
– Không ăn tiết canh gia cầm, gia súc hoặc động vật hoang dại;
– Không giết mổ, ăn thịt, gia cầm bệnh, chết. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.
– Không bán chạy đàn gia cầm khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết trong đàn. Thông báo ngay cho Thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý đúng chuyên môn.
– Không mua gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn trứng, thịt gia cầm khi chưa nấu chín hoàn toàn.
– Uống nước chín, nước đã tiệt trùng. Thường xuyên súc miệng bằng dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.
– Không khạc nhổ bừa bãi, khi ho, hắt hơi nên che kín miệng. Người bị cảm cúm nên chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
– Nuôi gia cầm xa nơi ở và vệ sinh chuồng trại 1 lần/tuần với vôi bột hoặc phun dung dịch Cloramin. Không nên tiếp xúc với gia cầm khi không cần thiết. (Không có gì bảo đảm gia cầm nào là an toàn khi chưa qua kiểm dịch nên không được chủ quan).
– Khi mắc bệnh cảm cúm, nếu thấy đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm.
– Những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, đi du lịch những vùng có dịch cúm gia cầm về phải quan tâm chú ý khi có hiện tượng sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay bệnh viện để khám và chữa bệnh sớm. Những người có tiếp xúc với người bệnh này phải tự nguyện khai báo để được theo dõi và thực hiện phòng chống dịch./.
Võ Phương