Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cư Jut về tiêm chủng mở rộng được nâng lên rõ rệt. Các bà mẹ đã ý thức hơn trong việc tự nguyện đưa con em mình đến các Trạm Y tế xã để tiêm chủng đầy đủ, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

 

 Nhân viên Trạm Y tế xã đo nhiệt độ cho trẻ trước tiêm phòng

Sau khi được cộng tác viên Y tế thôn thông báo lịch tiêm hàng tháng, hôm nay chị Lò Thị Sanh đưa con gái 4 tháng tuổi đến Trạm Y tế xã Đắk Wil để tiêm chủng. Qua thông tin tuyên truyền, chị đã hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ cho con, cả hai con của chị đều tham gia tiêm chủng đầy đủ. Vì vậy nên con chị phát triển khỏe mạnh, ít đau ốm. Chị còn cho biết: Có y tế thôn đến ngày đưa giấy rồi mình biết mình đi tiêm, hồi xưa thì không đi tiêm, còn bây giờ thì có cộng tác viên tuyên truyền những buổi tối họp thôn, trên loa phát thanh của xã, trên báo trên đài nên mình biết đưa con đi tiêm để phòng các bệnh sau này.

Đặc biệt khi đến tiêm trẻ còn được các y, bác sĩ khám sàng lọc kĩ trước khi tiêm để đảm bảo an toàn. Bác sĩ  Nguyễn Thị Hồng Quyên, Trưởng Trạm Y tế xã Đắk Rông, cho biết: Một đứa trẻ khi tới tiêm chủng mà cập nhiệt độ báo bị sốt thì mình sẽ khám kỹ lại có bị phổi, bị viêm phổi, rò phế nan gì không. Nếu mà sốt trên 37,5 độ C thì mình chỉ định không tiêm cho trẻ. 

Bác sỹ trạm y tế khám cho trẻ trước khi tiêm phòng

Hàng tháng, trước ngày tiêm chủng, các cộng tác viên Y tế thôn thường đến các gia đình có con nhỏ từ 0 đến 5 tuổi để thông báo và vận động nâng cao nhận thức của các gia đình có con nhỏ về vai trò của tiêm chủng đối với an toàn sức khỏe của con em. Nhờ đó những năm gần đây, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện đã có nhận thức đúng đắn và tự giác hơn trong việc đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm phòng định kỳ. Chị Dương Thị Súng, cộng tác viên y tế thôn 9, xã Cưknia cho biết: Nhắc bà mẹ và phụ nữ mang thai không được bỏ giấy mời, phải đi tiêm đúng lịch và đúng giờ. Vận động bà con là không đi tiêm thì không có lợi cho mình, không nên bỏ mũi tiêm, phụ nữ mang thai là phải khám thai định kỳ.

Cũng chính vì những lợi ích thiết thực do tiêm chủng mang lại, công tác tiêm chủng của huyện trong nhiều năm qua được duy trì thường xuyên nề nếp, chất lượng tiêm chủng không ngừng được nâng lên. Đến nay tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt 89%, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được thực hiện tốt, không có trường hợp phản ứng nặng do tiêm chủng. Trung tâm Y tế huyện đã hướng dẫn Trạm Y tế xã thực hiện tốt quy trình tiêm chủng từ khi đưa trẻ đến khám, tư vấn, cho đến giám sát phản ứng sau tiêm. Bác sĩ Bùi Thị Minh Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện nói: Để tạo niềm tin cho người dân trong công tác tiêm chủng, thì chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân, chúng tôi cũng thực hiện tiêm chủng đúng quy trình, thuốc men, về nhân lực cũng đảm bảo an toàn và có trang thiết bị xử lý chống sốc kịp thời. Mong rằng các cấp các ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao cái ý thức của mình trong việc tiêm chủng mở rộng. Chúng tôi cũng sàng lọc thật kỹ trước khi tiêm cho đối tượng. 

Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ là việc làm cấp thiết. Bởi thực tế, nếu vấn đề tiêm chủng không được cải thiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng bệnh cho trẻ và cộng đồng. Chính vì vậy, không chỉ có ngành Y tế mà các địa phương cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêm chủng mở rộng./.

Cao Thảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *