Trung tâm y tế huyện Cư Jút vừa xây dựng kế hoạch triển khai đề án “Xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển năm 2019”. 

Với mục tiêu từng bước nâng cao nhận thức của người dân về xã hội hóa các phương tiện tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGÐ/SKSS chất lượng cho người dân nhằm giảm tỷ lệ sinh, tiến tới duy trì mức sinh thay thế, đảm bảo sự công bằng xã hội và tính bền vững của chương trình dân số – KHHGÐ.  Theo đó, trên địa bàn huyện Cư Jút sẽ có 3 địa phương là thị trấn Ea Tling, xã Nam Dong và xã Tâm Thắng triển khai Đề án này. Chương trình được triển khai đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, người có nhu cầu thực hiện KHHGÐ và các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; các cơ sở dịch vụ KHHGÐ/SKSS. Nhằm tuyên truyền, vận động tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa và phát triển thị trường phương tiện tránh thai, quảng bá sản phẩm của xã hội hóa phương tiện tránh thai.

Theo khảo sát đánh giá của Trung tâm y tế huyện thì công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai được triển khai bước đầu tại 3 địa phương này của huyện Cư Jút sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do từ lâu người dân đã quen với việc được Nhà nước “bao cấp, miễn phí” dịch vụ KHHGÐ/SKSS nhất là trong các đợt Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGÐ/chăm sóc SKSS đến vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn hàng năm. Vì vậy việc xã hội hóa phương tiện tránh thai, nhất là các biện pháp tránh thai lâm sàng (dụng cụ tử cung, tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai…) ở một số địa phương chưa được mở rộng và chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng; công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm xã hội hóa còn hạn chế do thiếu nguồn kinh phí… Do đó, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch Đề án theo Quyết định số 818/QÐ-BYT của Bộ Y tế, Trung tâm y tế huyện Cư Jút đã xây dựng kế hoạch số và có các giải pháp thực hiện như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng chính quyền các địa phương trong công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai. Riêng đối với xã Tâm Thắng- là địa phương có 04 Buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trình độ nhận thức nhiều mặt còn rất hạn chế, Trung tâm sẽ tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí để xã Tâm Thắng tổ chức truyền thông tại các buôn nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc thực hiện dịch vụ KHHGÐ/SKSS. Phối hợp Đài TT huyện và Phòng văn hóa thông tin huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa truyền thanh, Cổng thông tin điện tử của huyện và treo pano áp phích tại các khu dân cư. Thông qua các hoạt động này, người dân sẽ nhận thực được sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, tạo dư luận xã hội đồng tình ủng hộ theo phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của người dân. Ngoài ra, Trung tâm y tế huyện Cư Jút cũng sẽ tổ chức Tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng tư vấn sử dụng các chủng loại PTTT…. Thông qua đó góp phần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về xã hội hóa phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, người có nhu cầu sử dụng nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi từ việc được sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí sang tự chi trả động viên, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng đích tham gia xã hội hóa các phương tiện tránh thai.

Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành  và sự tham gia nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân thì Đề án tại huyện Cư Jút sẽ cơ bản thực hiện được mục tiêu đề ra. Trong đó, có 100% cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/ SKSS; Duy trì 08 xã thị trấn triển khai Đề án thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS…./.

Cao Thảo – TTYT Cư Jut

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *