Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Cũng theo dự báo của WHO, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện thì đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người/năm, trong đó 70% ca tử vong là ở các nước đang phát triển.
WHO cho biết, khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotine. Do đó, khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây các bệnh ung thư.
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, thuốc lá là tác nhân gây ra 30% các loại ung thư, trong đó ung thư phế quản đứng đầu danh sách, kế đến là thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạ dày, tụy tạng, bàng quang, thận; cổ tử cung và vú ở nữ. Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não cao hơn người bình thường, đặc biệt là khi bị tiếp xúc với thuốc lá thụ động từ trong bào thai hay lúc bé.
Một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K Trung ương cho thấy, những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút và tử vong sớm hơn người không hút đến 20 năm. Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
(Hình minh họa)
Ngoài ra, những bệnh lý không phải ung thư do thuốc lá gây ra cũng rất nhiều như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; các bệnh tim mạch như bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, thuyên tắc mạch chi dưới; bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày, tá tràng; ảnh hưởng lên chức năng sinh sản nam cũng như nữ; ảnh hưởng lên diễn tiến bình thường của thai kỳ. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Mặc dù hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng với những người đã hút thuốc lá, nghiện thuốc lá, có rất nhiều lý do để bao biện việc này. Đặc biệt, với quan niệm, hút thuốc lá ở một mức độ nhất định sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều người vẫn sử dụng thuốc lá như một thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, hút thuốc lá cho dù chỉ là hút vài điếu mỗi ngày hoặc lâu lâu mới hút một lần cũng đều có hại cho sức khỏe.
Cơ thể mỗi người là khác nên tác hại của thuốc lá trên mỗi người cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Một số người hút thuốc lá bị tác hại do thuốc lá như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất sớm, một số người khác xuất hiện bệnh chậm hơn, thậm chí có một số người hút thuốc lá đã 30 – 40 năm rồi mà cũng chưa xuất hiện các bệnh nặng do tác hại của thuốc lá.
Theo WHO, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người tuy không hút thuốc thường xuyên nhưng hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc. Kết quả nghiên cứu của WHO chỉ ra: khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc mà người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc lá nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc/ngày. Nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam vừa qua cho thấy, tỷ lệ người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại nhà hàng, quán bar, cà phê chiếm từ 80 – 90%, gấp 2 đến 3 lần so với các địa điểm khác như: giao thông công cộng, cơ quan nhà nước, trường học…
Ở Việt Nam, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà cao hơn nhiều so với tại nơi làm việc. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ 50 – 70%. Người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào mình mà còn làm hại cả người xung quanh. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì trong đó có một người hít phải khói thuốc thụ động.
WHO cũng cho biết, mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện, số lượng người hút thuốc lá vẫn tăng lên thì đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người/năm, trong đó 70% ca tử vong là ở các nước đang phát triển. Do đó, để bảo đảm sức khỏe, những người hút thuốc lá hãy cai thuốc lá càng sớm càng tốt.
Cao Thị Thảo