Ung thư dạ dày là một bệnh lý hết sức nguy hiểm đối với đường tiêu hóa, hiện nay bên cạnh việc tầm soát phát hiện sớm ung thư dạ dày còn phụ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân, giai đoạn phát triển của tế bào ung thư. Do vậy, cần hiểu đúng và đủ để có cách phòng ngừa và chữa bệnh hiệu quả nhất.
- Cảnh báo dấu hiệu ung thư dạ dày không nên bỏ qua
Ung thư dạ dày là căn bệnh rất khó phát hiện, bởi triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến dạ dày, do đó cần phải theo dõi, phân biệt từng giai đoạn của các khối u để có những phương pháp điều trị kịp thời kéo dài sự sống cho người bệnh.
Bệnh ung thư dạ dày được phân thành nhiều giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày lại xuất hiện những triệu chứng không giống nhau. Khi bệnh nhân đã sang giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong là rất cao.
Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, hằng năm có khoảng 28.000 ca ung thư dạ dày. Con số trên đang có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong đó có Việt Nam. Chính vì thế, mọi người nên bổ sung cho mình kiến thức về ung thư dạ dày, các giai đoạn tiến triển và dấu hiệu nhận biết của từng giai đoạn để có biện pháp ứng phó kịp thời.
5 giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày
Theo đánh giá của các chuyên gia, bệnh ung thư dạ dày là 1 trong căn bệnh dễ mắc gặp trên thế giới. Bất kể bạn đang ở trong độ tuổi hay thuộc nhóm giới tính nào, bạn đều có thể mắc bệnh ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày chỉ xếp thứ 2 sau ung thư phổi.
Ung thư dạ dày là tình trạng tế bào ung thư phát triển dọc theo thành dạ dày và thực quản hay ruột non, hình thành khối u ác tính. Nếu không nhanh chóng điều trị sớm, tế bào ung thư rất dễ di căn đến những bộ phận khác như gan, đại tràng, phổi, buồng trứng, gây tử vong. Bệnh ở người trẻ nguy hiểm hơn so với người già, song những người già có sức chịu đựng kém hơn khi tiến hành phác đồ trị bệnh.
Bệnh được chia thành 5 giai đoạn. Ở những giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh không rõ ràng và thường gây nhầm lẫn với một số bệnh lý về dạ dày khác, khi bệnh biểu hiện triệu chứng thì bệnh đã chuyển nặng, nguy cơ tử vong cao.
Tuy đây là căn bệnh nguy hiểm, xong chúng ta vẫn có cơ hội sống sót nếu như phát hiện sớm, thậm chí có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, việc theo dõi và nhận biết biểu hiện bệnh là vô cùng quan trọng. Tham khảo 5 giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư dạ dày cùng một số biểu hiện của nó ngay sau đây:
Giai đoạn 0: Tế bào ung thư mới xuất hiện
Đây là giai đoạn mới phát bệnh, người bệnh không có nhiều dấu hiệu bất thường trong cơ thể, các khối u được tìm thấy phía trong lớp niêm mạc của thành dạ dày, còn được gọi là ung thư biểu mô. Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn này, dựa vào các kết quả siêu âm, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm máu, sẽ điều trị bằng phương pháp nội soi, phẫu thuật để cắt bỏ tế bào không cho phát triển rộng ra xung quanh. Cơ hội sống cho bệnh nhân ở giai đoạn này đạt 90% nếu như phát hiện sớm bệnh.
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn
Đây là giai đoạn, các khối u bắt đầu xâm lấn vào thành dạ dày phần dưới niêm mạc, lây lan vào các hạch bạch huyết khác nhau. Ở giai đoạn này các phương pháp điều trị gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị để ngăn chặn không cho tế bào ung thư phát triển lây lan sang các bộ phận khác. Bệnh nhân ở giai đoạn bắt đầu xuất hiện, hiện tượng khó chịu trong dạ dày, đau, mệt mỏi.. việc tuân thủ các phương điều trị, kết hợp với tinh thần tốt, tỷ lệ sống cho bệnh nhân giai đoạn này đạt 80 – 90%.
Giai đoạn 2: Tế bào ung thư xâm lấn
Giai đoạn này, khối u xâm lấn lớp dưới niêm mạc và lớp cơ, lây lan sang các hạch bạch huyết, làm tổn thương dạ dày, người bệnh xuất hiện các biểu hiện: sút cân, ợ nóng, ăn không ngon miệng, nôn sau khi ăn, đau âm ỉ, có lúc đau quặn lên. So với giai đoạn 1, cơn đau nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ở giai đoạn này các phương pháp điều trị gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, hóa trị liệu hoặc xạ trị để không chế và ngăn không cho tế bào ung thư phát triển lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học, tạo tâm lý thoải mái, lạc quan và thường xuyên luyện tập những bài thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe và tăng khả năng đề kháng cho cơ thể, cơ hội sống cho bệnh nhân giai đoạn này đạt 70%.
Giai đoạn 2 khối u làm tổn thương dạ dày lan các hạch bạch huyết
Giai đoạn 3: Tế bào ung thư phát triển xâm lấn mạnh
Ở giai đoạn này, các khối u ung thư phát triển mạnh, có kích thước lớn và lây lan sang các cơ quan khác xung quanh dạ dày và hạch bạch huyết, việc điều trị giai đoạn này trở nên khó khăn, tỷ lệ sống giảm đáng kể. Biểu hiện của người bệnh thường đau bụng nhiều, dữ dội hơn, mệt mỏi, thiếu máu, suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa, đại tiện ra máu, khó nuốt thức ăn. Để kéo dài sự sống, tuổi thọ cho bệnh nhân giai đoạn này, các bác sĩ sử dụng phương pháp điều trị phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong điều trị tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nếu sức khỏe yếu không thể tiếp nhận phẫu thuật hay hóa xạ trị, việc điều trị sẽ là hóa trị đơn độc hoặc xạ trị liệu. Việc điều trị lúc này chỉ nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh nhân chứ không thể chữa khỏi được ung thư dạ dày. Đồng thời, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ tinh thần lạc quan, rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập nhẹ nhàng, cơ hội sống đạt 30 – 50%.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư lan rộng và di căn
Với giai đoạn 4, giai đoạn cuối của ung thư dạ dày, các khối u tế bào ung thư lây lan sang các bộ phận trong cơ thể, xâm lấn dạ dày và các mô cơ xa hơn như bạch huyết, gan, phổi, xương, túi mật.. Biểu hiện của bệnh nhân giai đoạn này với các triệu chứng như đau quặn bụng, ăn kém, miệng khô, táo bón, tiêu chảy, đại tiện ra máu đen, sụt cân nghiêm trọng, thiếu máu, xuất hiện khối u lớn trong ổ bụng… Mặc dù đây là giai đoạn được cho là không thể chữa khỏi, tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng vẫn có những phương pháp điều trị bằng xạ trị, hoá trị, điều trị đích để kéo dài sự sống và tuổi thọ cho bệnh nhân. Giai đoạn này người bệnh cần tạo và giữ cho được tinh thần thoải mái kết hợp với chế độ ăn và tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, cơ hội sống kéo dài thêm được khoảng 1 – 3 năm, hoặc sống lâu hơn từ 4 – 5 năm.
Tỷ lệ sống của người bị ung thư dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào giai của bệnh cũng như các yếu tố khác. Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sẽ cao hơn nhờ thực hiện phẫu thuật, khi bệnh ở giai đoạn sau thì việc phẫu thuật không còn hiệu quả thì mục tiêu điều trị là duy trì sự sống, lúc này sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của người bệnh cũng như biện pháp điều trị. Do đó, mỗi người cần nên chủ động thường xuyên đi thăm khám và tầm soát ung thư dạ dày sớm để tránh nguy cơ mắc bệnh và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày và ngăn khối u tiến triển
Có thể thấy, bệnh ung thư dày vô cùng nguy hiểm, chính vì thế ngay từ bây giờ, bạn nên thay đổi ngay thói quen sinh hoạt và phong cách sống để phòng bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển đối với bệnh nhân đang bị ung thư.
Thay đổi ngay thói quen sinh hoạt và phong cách sống để phòng bệnh
Chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày
- Hạn chế ăn muối, đồ xông khói vì chúng có thể tăng nguy cơ hình thành tế bào ung thư.
- Không ăn đồ ăn bị cháy xém nhiều.
- Từ bỏ thuốc lá
- Hạn chế dùng rượu bia, đồ uống có chứa cồn.
- Ăn nhiều trái cây, rau, thực phẩm ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Bạn nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kì để phát hiện những bất thường của cơ thể, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Sống lành mạnh, tích cực
Điều quan trọng để phòng bệnh hiệu quả đó là bạn cần giữ tinh thần khỏe mạnh, chỉ có như vậy mới tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh bệnh tật lẫn ung thư.
Với các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày bài viết trên, hi vọng bạn đọc đã có thêm kiến thức hữu ích cũng như tâm thế chủ động phòng ngừa bệnh. Đối với những ai bị ung thư dạ dày, điều tối quan trọng đó là không nên bi quan, chấp nhận sự thật và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả.
Cao Thị Thảo – TTYT Cư Jut